[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trải qua một năm đầy biến động với ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng, năm 2022 được dự báo là một năm với nhiều khó khăn hơn nữa. Bàn về những thách thức và giải pháp cho ngành chăn nuôi năm 2022, Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam giới thiệu tới Quý độc giả bài viết tâm huyết của Ts. Nguyễn Xuân Dương (ảnh), nguyên Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam.
Thách thức
Sản xuất chăn nuôi trong nước vừa đi qua năm 2021 với rất nhiều những khó khăn của dịch bệnh trên người, vật nuôi và đứt gẫy của các chuỗi cung ứng toàn cầu… làm giá đầu vào của ngành chăn nuôi tăng “phi mã”, trong khi sản phẩm đầu ra không những giảm thấp mà còn không tiêu thụ được, gây thua lỗ lớn cho người chăn nuôi, nhất là đối với khu vực chăn nuôi nông hộ và lĩnh vực chăn nuôi gia cầm.
Sang năm 2022, tình hình chăn nuôi trong nước cũng chưa có nhiều động thái tích cực, khó khăn và thách thức vẫn còn rất lớn, bởi các lý do sau đây: (1) giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng và sẽ giữ ở mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ký đặt cọc với các nhà cung cấp ngô giao tại cảng Việt Nam đến tháng 10/2022 đã xấp xỉ 11.000 đ/kg, lúa mỳ khoảng 10.500 đ/kg và khô đỗ tương gần 17.000 đ/kg… dự kiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng cao; (2) giá đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi sẽ khó tăng cao tương ứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào, do sức mua thực phẩm trong nước vẫn còn hạn chế và thực phẩm nhập khẩu ngày càng gia tăng; (3) Dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò và cúm gia cầm… (4) biến đổi khí hậu và kiểm soát môi trường tiếp tục là áp lực không nhỏ với ngành chăn nuôi, nhất là khi Việt Nam đã cam kết về chống biến đổi khí hậu tại COP-26 sẽ đạt mức phát thải dòng bằng 0% vào năm 2050…
Giải pháp
Nhằm từng bước giảm thiểu những khó khăn của ngành chăn nuôi Việt Nam trong những năm tiếp theo, nhất là với khu vực chăn nuôi nông hộ, cần triển khai đồng bộ và bài bản các giải pháp thực thi Luật Chăn nuôi và Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1520/2020/QĐ-TTg ngày 6 tháng 10 năm 2020. Trước tiên, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhóm giải pháp sau:
Đối với người chăn nuôi, cần cân nhắc kỹ thị trường, khả năng đầu tư, nhất là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, quản trị kinh doanh chăn nuôi so với các lĩnh vực kinh doanh khác, để tiếp tục chăn nuôi hay chuyển nghề, không nên chăn nuôi bằng mọi giá nếu những vấn đề đặt ra ở trên chưa được làm rõ; nhất định phải áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) gắn với chăn nuôi tuần hoàn để tối đa hóa lợi ích của hoạt động chăn nuôi, bởi vì nếu chỉ dựa vào các sản phẩm chính của quá trình chăn nuôi, nhiều khi người chăn nuôi không có lãi (điều này không chỉ có ở nước ta, mà ngay cả ở những nước chăn nuôi phát triển, như Mỹ, Brazil, châu Âu …cũng làm như vậy); phải gắn hoạt động chăn nuôi trong các chuỗi liên kết, như tổ hợp tác, HTX, hội, hiệp hội và doanh nghiệp; phải thường xuyên nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng chăn nuôi và quản trị sản xuất, thị trường; các hộ chăn nuôi, các trang trại vừa và nhỏ cần tìm cho mình những phân ngách nhỏ của thị trường phù hợp với khả năng đầu tư và phát huy những lợi thế so sánh của vấn đề lao động, kinh nghiệm truyền thống, đa dạng sinh học, vùng miền để chăn nuôi các loại vật nuôi đặc hữu, chăn nuôi hữu cơ… cung cấp các loại đặc sản cho thị trường mà các doanh nghiệp lớn không có lợi thế.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong chăn nuôi, cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại quy mô chăn nuôi, quy mô sản xuất phù hợp với tình hình mới, khi mà chăn nuôi trong nước ngày càng chịu áp lực của những phân tích nêu trên đang đến nhanh và mạnh hơn; phải tiếp tục đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao, quy trình quản lý tiên tiến trong tất cả các khâu của hoạt động chăn nuôi và thị trường; phải tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nhất là vấn đề tiết kiệm và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu TACN trong nước, thay thế nhập khẩu; Tổ chức tốt hơn việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, để khuyến khích người chăn nuôi làm theo tín hiệu và đòi hỏi của thị trường. Doanh nghiệp chỉ nên làm những khâu mà người chăn nuôi không thể làm được, phần còn lại để người dân đầu tư vừa giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp vừa đảm bảo sinh kế cho người nông dân…
Đối với các cơ quan nhà nước, cần xem xét rà soát điều chỉnh lại quy mô đàn và cơ cấu các loại vật nuôi chính phù hợp với tình hình mới, trong đó giảm tương đối các loại vật nuôi sử dụng nhiều ngũ cốc, gia tăng đàn gia súc ăn cỏ; có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nguyên liệu TACN trong nước và giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bằng việc nâng cao năng lực logictics (chi phí này Việt Nam đang cao hơn các nước phát triển trong khu vực từ 10-15%) đồng thời, giảm chủng loại, thời gian, chi phí kiểm dịch, kiểm tra chất lượng TACN nhập khẩu; tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh, đây là khâu đang còn rất yếu gây phát sinh nhiều chi phí và rủi ro cho người chăn nuôi; kiểm soát có hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt gia cầm, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất. Phần lớn các mặt hàng tạm nhập tái xuất đều là thứ phẩm chăn nuôi của các nước phát triển, có giá rất rẻ, cận date, khi quay ngược lại thị trường nội địa thì sản phẩm chăn nuôi trong nước không thể nào cạnh tranh nổi; song song với công tác kiểm soát nhập khẩu, cần đẩy mạnh việc xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang các nước Đông Bắc Á, Trung Đông và Châu Âu…Công tác thú y phải tiên phong đi trước trong đàm phán để ký kết được hiệp định thư (thừa nhận nhau) về hoạt động kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh giữa Việt Nam với các thị trường tiềm năng, công việc này rất mất thời gian (thường từ 3-5 năm cho một sản phẩm), công sức nếu không chuyên tâm thì rất khó thành công; tăng cường năng lực và kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm, như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu bò…Ở đây không chỉ có vấn đề tăng cường trang thiết bị, nguồn kinh phí mà quan trọng hơn là tổ chức lại hệ thống ngành chăn nuôi, thú y phù hợp, nhất thể hóa trong cả nước từ trung ương đến các địa phương; cuối cùng, ngay từ bây giờ nhà nước cần sớm xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ ngành chăn nuôi trong quá trình hội nhập, bởi vì so với các ngành kinh tế khác như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp, dệt may, điện tử… Khi các hiệp định tự do thế hệ mới phát huy hiệu lực thì ngành chăn nuôi trong nước càng bị gia tăng áp lực.
TS Nguyễn Xuân Dương
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam