[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo thông báo của một số Công ty sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, kể từ ngày 10/7/2023, giá thức ăn chăn nuôi các loại sẽ giảm từ 100 đến 400 đ/kg. Đây là đợt giảm giá lần thứ 3 trong năm 2023.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi các loại giảm từ 300 đến 1.200 đ/kg. Đây là một trong những giải pháp được các Công ty áp dụng nhằm chia sẻ, đồng hành và hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn rất khó khăn như hiện nay.
Mức điều chỉnh giảm giá bán của một số Công ty, cụ thể như sau:
Công ty TNHH CJ Vina Agri áp dụng mức giảm 80 đ/kg đối với các sản phẩm thức ăn cho bò, dê; 120 đ/kg đối với các sản phẩm thức ăn cho gia cầm thịt, trứng; các sản phẩm cho heo con và thức ăn đậm đặc giảm 300 đ/kg và giảm 160 đ/kg đối với các sản phẩm cho heo còn lại.
Công ty TNHH Thức ăn công nghiệp Hòa Phát Đồng Nai áp dụng mức giảm từ 100 đến 400 đ/kg đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi do Công ty sản xuất và áp dụng cho địa bàn từ Đà Nẵng đến Cà Mau.
Đối với các sản phẩm thuộc thương hiệu VINA HAPPY của Công ty TNHH Vina sẽ áp dụng mức giảm từ 100 đến 300 đ/kg.
Công ty Uni President Việt Nam tiến hành giảm 100 đ/kg đối với các sản phẩm cho gà thả vườn, gà thịt, vịt thịt, gà đẻ, vịt đẻ, cút, thỏ, bò, dê; giảm 160 đ/kg thức ăn cho heo các loại và riêng thức ăn heo con, đậm đặc áp dụng mức giảm 300 đ/kg.
Hệ thống nhà máy thức ăn Proconco, Anco áp dụng mức điều chỉnh giảm 400 đ/kg đối với các sản phẩm cho heo con, sản phẩm đậm đặc các loại; 160 đ/kg cho thức ăn heo thịt; 120 đ/kg cho thức ăn gia cầm thịt và các sản phẩm còn lại áp dụng mức giảm 100 đ/kg.
Theo các chuyên gia, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65 – 70 % giá thành sản xuất, việc điều chỉnh giảm cộng với giá bán các loại sản phẩm chăn nuôi đang ở mức tốt và tiêu thụ thuận lợi sẽ là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi phục hồi kinh tế sau một giai đoạn giá bán các sản phẩm chăn nuôi liên tục xuống thấp và kéo dài. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh thành trên cả nước; do đó, người chăn nuôi trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và tính toán, cân nhắc thời điểm tái đàn phù hợp để tránh hiện tượng dư thừa nguồn cung./.
Thịnh Đức Minh
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu