Vì sao giá heo hơi Việt Nam ngược chiều thế giới?

Trong khi giá heo ở Trung Quốc và Mỹ tiếp tục giảm thì tại VN giá heo hơi vẫn duy trì xu hướng đi lên. Điều gì khiến thị trường VN ngược chiều thế giới?

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, giá heo hơi trên thị trường thế giới trong tháng 5 vẫn trong khuynh hướng giảm. Cụ thể giá heo hơi, giao tháng 6.2023 ở Chicago (Mỹ) biến động giảm 11,025 UScent/lb xuống mức 80,675 UScent/lb. Ngay cạnh chúng ta, giá heo hơi ở thị trường Trung Quốc liên tục giảm và hiện chỉ còn khoảng 46.000 đồng/kg do nguồn cung dồi dào.

Người chăn nuôi đã có lãi 

Trong khi đó, giá heo hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng, nhiều tỉnh thành chạm và vượt mốc 60.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi lại giảm khiến nhiều người chăn nuôi thở phào nhẹ nhõm và lạc quan về sự phục hồi của ngành chăn nuôi heo. “Heo hơi đang rất dễ bán. Mấy hôm trước giá 58.000 – 59.000 đồng/kg, nay đã chạm mốc 60.000 đồng/kg. Với mức giá này thì chúng tôi mới có lãi và yên tâm sản xuất”, ông Trần Văn Đạt, một hộ chăn nuôi ở H.Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết.

rong gần 2 tháng qua, tăng giá vẫn là xu hướng chung của thị trường heo hơi nội địa. Hiện tại, giá heo hơi bình quân ở miền Bắc là cao nhất, lên tới 60.600 đồng/kg; khu vực Đông Nam bộ cũng gần 60.000 đồng và thấp nhất là các tỉnh miền Trung khoảng 57.700 đồng/kg. Nếu so với mức đáy hồi giữa tháng 4, giá heo hơi đã tăng đến 10.000 đồng/kg và đang đạt mức bình quân cả nước là 59.000 đồng/kg. Lý giải về xu hướng tăng giá hiện nay, nhiều chuyên gia trong ngành cho biết do từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, giá heo hơi liên tục giảm mạnh, có thời điểm chỉ 48.000 – 49.000 đồng/kg. Điều này khiến người chăn nuôi lỗ nặng làm tổng đàn sụt giảm, nhất là các hộ nhỏ lẻ. Chính vì vậy mà hiện nay nguồn cung thiếu hụt cục bộ, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết: Ở thời điểm hiện tại, người chăn nuôi đang thở phào vì ngoài xu hướng giá heo tăng thì giá thức ăn lại giảm. Mới nhất vào ngày 14.6, các doanh nghiệp lớn cung cấp thức ăn chăn nuôi đã có lần giảm giá chính thức thứ hai kể từ đầu năm đến nay với mức giảm bình quân 300 – 400 đồng/kg/lần, tùy loại. Đây là thông tin rất tích cực vì so với hồi đầu năm các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi chỉ giảm giá thông qua các hình thức khuyến mại. Vấn đề hiện tại của người chăn nuôi heo chỉ là lo phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi và xử lý môi trường chăn nuôi cho thật tốt theo quy định của nhà nước. Hiện tại, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng đang tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện xử lý môi trường ở các cơ sở chăn nuôi trên toàn địa bàn. “Không thể chắc chắn, tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì có nhiều tín hiệu để người chăn nuôi có thể hy vọng về một mức giá lạc quan trong thời gian tới như: giá heo hơi của các doanh nghiệp lớn đang tăng, giá heo giống tăng và giá thức ăn chăn nuôi giảm”, ông Đoán phân tích.

Thịt nhập khẩu giảm

Tại Tiền Giang, giá heo hơi cũng đang xu hướng tăng nhẹ lên mốc 60.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Minh Thuần, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang, cho biết: Nếu đem giá thành sản xuất và giá bán ra tính thì đúng là người chăn nuôi đang có lãi. Hiện tại, nhiều người chăn nuôi cũng rục rịch tái đàn trở lại. Điều này cũng khiến giá heo giống tăng nhẹ. “Cụ thể như trang trại chúng tôi đang bán heo giống với giá 105.000 đồng/kg (heo 20 – 25 kg/con); còn các doanh nghiệp khác họ bán khoảng 1,3 – 1,32 triệu đồng/con (heo 7 – 10 kg/con). Tuy nhiên, xu hướng giá sắp tới như thế nào thì rất khó dự báo vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nguồn cung sản phẩm chăn nuôi trong nước, sức mua của thị trường, sản lượng thịt nhập khẩu, tác động của kinh tế nói chung… Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là số liệu thống kê của chúng ta không chính xác và thống nhất làm ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sản xuất”, ông Thuần nói.

Trong khi thực tế ngoài thị trường nguồn cung giảm khiến giá heo tăng thì theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đến cuối tháng 5.2023 đàn heo vẫn tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm còn lỗ nặng và kéo dài hơn nhưng tổng đàn hiện cũng tăng 1,3%. Theo nhiều chuyên gia, đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay ở Việt Nam và xảy ra với nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Để khắc phục tình trạng này, nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi để các hiệp hội nghề nghiệp phát triển đủ mạnh để họ có thể theo dõi sát các diễn biến thị trường và cung cấp cơ sở dữ liệu chính xác cho các thành viên. Đây là giải pháp để phát triển ổn định và bền vững với nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì chăn nuôi.

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi giảm

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 5 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 2 tỉ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2023, VN nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Argentina chiếm 25,8% thị phần, Ấn Độ (18%) và Mỹ (15%).

Số liệu thống kê của ngành hải quan cho biết, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 511 triệu USD, giảm 3,8%. Theo các chuyên gia, giá heo hơi tăng trở lại một phần vì nguồn cung thịt nhập khẩu giá rẻ giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Điều này do các hiệp hội chăn nuôi thời gian qua đồng loạt kiến nghị kiểm soát nguồn thịt chất lượng thấp nhập khẩu đã phát huy tác dụng.

Trong khi người chăn nuôi heo phấn khởi thì các hộ nuôi gia cầm vẫn tiếp tục gánh lỗ. Ông Nguyễn Văn Ngọc, ở Đồng Nai, cho biết: Giá gà thịt lông trắng vẫn ở mức 28.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất đến 31.000 – 33.000 đồng/kg nên người nuôi vẫn lỗ. Giải thích về việc giá heo tăng nhưng giá gà vẫn giậm chân tại chỗ, ông Ngọc cho rằng nguyên nhân là do vòng đời của gà ngắn, thời gian quay vòng nhanh. Cơ sở vật chất như hệ thống chuồng trại không thể bỏ trống quá lâu nên buộc nhiều người phải tiếp tục tái đàn trong khi sức cầu vẫn chưa tăng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh như hiện tại: giá thức ăn chăn nuôi giảm, kinh tế dần phục hồi và kiểm soát tốt nguồn thịt chất lượng thấp nhập khẩu giá rẻ thì ngành chăn nuôi có thể phục hồi trong giai đoạn nửa cuối năm.

CHÍ NHÂN

Báo Thanh Niên

Leave Comments