Giá bán lẻ thịt heo Thái Lan tăng gấp đôi lên 250 baht/kg (khoảng 170 nghìn đồng/kg) chỉ trong vòng vài tháng do thiếu hụt nguồn cung. Hiệp hội Chăn nuôi Thái Lan cho rằng giá có thể tăng lên 300 baht/kg (khoảng 203 nghìn đồng/kg) trước thềm Tết Nguyên đán do nhu cầu tăng mạnh.
Trước động thái này, một số ý kiến cho rằng tại Việt Nam không tận dụng cơ hội để xuất khẩu thịt heo sang Thái Lan để phục hồi giá heo hơi trong nước. Người viết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi để làm rõ hơn vấn đề này.
Mới đây, Thái Lan ban hành lệnh tạm cấm xuất khẩu thịt heo vì giá heo hơi nước này quá cao. Trong khi giá heo hơi Việt Nam đang thấp do nhu cầu yếu. Vậy tại sao Việt Nam không tính đến phương án xuất khẩu thịt heo sang Thái Lan?
Hiện tại, Việt Nam chưa thể xuất khẩu thịt heo đông lạnh mà mới chỉ xuất khối lượng rất nhỏ heo sữa và heo choai sang các thị trường như Singapore, Hồng Kông…để chế biến thịt heo quay.
Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam vẫn chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Ngay cả thị trường Trung Quốc, nơi nhu cầu rất cao, Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch thịt đông lạnh. Hiện chúng ta mới chỉ xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Để vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước, heo đông lạnh của Việt Nam phải được nuôi, giết mổ trong chuỗi khép kín. Vấn đề này các doanh nghiệp lớn đã đáp ứng. Tuy nhiên, còn một điều kiện nữa là các trang trại phải được đặt ở khu vực an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y Quốc tế (OIE) công nhận thì Việt Nam chưa đáp ứng được.
Các vùng chăn nuôi của Việt Nam hiện nay giống như “nồi xôi đỗ”, trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh rất khó.
Bên cạnh đó, chi phí chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn cao so với khu vực và thế giới bởi vẫn còn phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài.
Đơn cử như năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi có lúc tăng tới trên 30%. Chi phí chăn nuôi tại các doanh nghiệp lớn, tự chủ con giống, thức ăn chăn nuôi khoảng 50.000 đồng/kg còn các hộ nhỏ lẻ là 55.000 – 60.000 đồng/kg.
Do đó, ngay cả khi thịt heo Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước thì cũng khó lòng cạnh tranh vì giá cao.
Ông có nhắc đến xuất khẩu thịt đông lạnh, tại sao không phải là heo hơi?
Xu hướng của các nước là xuất khẩu thịt đông lạnh để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh. Thực ra trước đó, Việt Nam đã rất nhiều lần đàm phán để xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc tuy nhiên đều thất bại. Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe như phải có trang trại nuôi ở gần khu vực biên giới, cứ 45 ngày họ sẽ kiểm tra một lần đảm bảo không xảy ra dịch bệnh thì mới cho xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này không khả thi và chúng ta vẫn chưa thể xuất khẩu heo chính ngạch cả heo hơi và heo đông lạnh sang Trung Quốc.
Hiện tại Thái Lan đang đối mặt với cơn sốt giá thịt heo vì thiếu nguồn cung. Dưới tác động của dịch COVID-19 và dịch tả heo châu Phi khiến chi phí cao kéo theo hơn 2/3 số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng. Câu chuyện này có vẻ khá giống Việt Nam, ông có lo ngại rằng kịch bản giá heo hơi thời gian tới tăng phi mã ở Thái Lan sẽ lặp lại ở Việt Nam?
Tôi cho rằng chúng ta không cần phải quá lo ngại liệu rằng kịch bản giá heo hơi tăng mạnh như Thái Lan có xảy ra tại Việt Nam hay không.
Thoạt nhìn có vẻ câu chuyện của Việt Nam và Thái Lan giống nhau nhưng bản chất lại rất khác nhau.
Dưới tác động của cơn khủng hoảng kép dịch tả heo Châu Phi và dịch COVID-19, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm một nửa từ 4 triệu xuống còn 2 triệu hộ. Tuy nhiên, điểm khác với Thái Lan là các doanh nghiệp chăn nuôi chuyên nghiệp đã đầu tư bài bản hơn và mở rộng quy mô nuôi.
Đàn nái sinh sản duy trì khoảng 2,9 triệu con. Năm 2021, tổng đàn heo xuất chuồng khoảng 50 triệu con, tương đương với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi (2018). Riêng 16 doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 23% lượng tổng đàn heo thịt và tăng trưởng tới 73% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn tồn tại cũng đầu tư chuyên nghiệp hơn bởi họ xác định đây là nguồn thu nhập chính. Còn các hộ nuôi tạm bợ tự từ bỏ. Do đó, có thể nói dịch tả heo châu Phi và dịch COVID-19 như một ngòi nổ tạo nên cuộc thanh lọc và cách mạng đổi mới cho ngành chăn nuôi heo Việt Nam. Cái gì tồn tại được thì nó sẽ tồn tại còn cái gì không tồn tại được thì tự phải bỏ.
Vậy thời gian tới Việt Nam sẽ làm những gì để có thể thực hiện hóa việc xuất khẩu thịt heo qua Thái Lan nói riêng và sang các nước nói chung, thưa ông?
Theo kế hoạch, đến năm 2030 sản lượng thịt xẻ các loại của Việt Nam đạt 6 – 6,5 triệu tấn trong đó thịt heo chiếm 60%.
Đồng thời, Việt Nam sẽ xuất khẩu 25 -30% sản lượng thịt heo. Hiện tại, các doanh nghiệp lớn trong đó có FDI đang đẩy mạnh mô hình chăn nuôi khép kiến từ thức ăn, con giống, giết mổ. Đồng thời xây dựng vùng an toàn dịch để OIE công nhận thì mới có thể xuất khẩu.
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cần đẩy mạnh việc liên kết ngang để tối ưu hóa chi phí chăn nuôi và nâng cao khả năng đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Nguồn: https://vietnambiz.vn/thai-lan-dang-thieu-hut-thit-heo-tai-sao-viet-nam-chua-chop-thoi-co-de-xuat-khau-20220107162131589.htm